SPONSOR

Lượt truy cập : 261968




CẤY GHÉP RĂNG
- kỹ thuật răng giả TIÊN TIẾN NHẤT và là GIẢI PHÁP TỐI ƯU để phục hồi một hay nhiều răng bị mất mà không phải mài răng bên cạnh


- Cấy ghép răng là gì?
- Chân "răng cấy ghép" được đặt như thế nào?

- Bạn cần bao nhiêu "răng cấy ghép" ?

- Nếu bạn mất toàn bộ răng của hàm dưới ?

- Nếu bạn mất toàn bộ răng của hàm trên ?
- Làm gì với chỗ trống mất răng trong khi chờ "răng cấy ghép" lành ?
- Những vấn đề gì có thể xảy ra ?
- "Răng cấy ghép" sẽ kéo dài được bao lâu ?
- Chuyện gì xảy ra sau khi "răng cấy ghép" lành ?

- Làm sạch "răng cấy ghép" như thế nào ?

- Chi phí cho những dịch vụ này thế nào ?
 

Cấy ghép răng là gì?
Cách tốt nhất để giải thích điều này là so sánh răng cấy ghép với răng thật. Một chiếc răng thật gồm có chân răng và thân răng. Phần răng mà bạn nhìn thấy và dùng nó để ăn nhai là thân răng. Bên dưới thân răng là chân răng, nó neo giữ chiếc răng qua lợi vào xương hàm. Khi mất răng, là mất luôn cả chân răng và thân răng. Để thay thế răng mất, trước hết phải thay thế chân răng.
 

Phần "răng cấy ghép" về cơ bản là một chân răng mới. Chân răng giả này làm bằng Titanium được đặt vào một hốc mà bác sỹ tạo ra trên xương hàm, để thay thế chân răng thật đã bị mất. Sau khi "răng cấy ghép" đã được đặt vào xương hàm, xương xung quanh "răng cấy ghép" sẽ lành trong khoảng từ 3 đến 6 tháng, tuỳ thuộc mức độ cứng của xương. Sau khi quá trình lành thương hoàn tất, bác sỹ sẽ đặt một trụ răng vào "chân răng cấy ghép", và sau đó sẽ đặt một thân răng mới lên trên. Nếu bạn mất tất cả các răng, sẽ có nhiều phương án điều trị để thay thế các răng bị mất.

Một nhóm bác sỹ gồm nhiều phẫu thuật viên hàm mặt, nha sỹ, và kỹ thuật viên răng giả sẽ cùng làm việc để lập kế hoạch điều trị hoàn chỉnh. Đôi khi cần thêm sự giúp đỡ của chuyên ngành khác để có được kết quả tốt nhất. Các nha sỹ phục hình sẽ có trách nhiệm lập kế hoạch điều trị, làm răng giả tạm thời, và hoàn tất phục hình răng. Trong một số trường hợp, cần phải làm những thủ thuật chuẩn bị để đạt được kết quả tốt nhất. Việc này có thể bao gồm nghiên cứu mẫu hàm, phim xương hàm để giúp cho việc lập kế hoạch điều trị cũng như làm "máng nhựa hướng dẫn" để phẫu thuật viên đặt "chân răng cấy ghép" vào vị trí tốt nhất.

<< Top >>    

Chân "răng cấy ghép" được đặt như thế nào?
Tiểu phẫu này thường kéo dài khoảng 1 giờ cho mỗi "răng cấy ghép" và thường không lâu hơn 2 hay 3 giờ cho trường hợp đặt nhiều răng, và bao gồm các bước sau:
Phẫu thuật viên sẽ tiêm thuốc tê vào vùng cần cấy ghép. Trước đó cũng có thể bác sỹ cho uống thuốc giảm đau. Sau khi bệnh nhân cảm thấy tê, bác sỹ sẽ rạch một đường nhỏ trên lợi, bộc lộ xương là chỗ định đặt "răng cấy ghép"
Bằng những dụng cụ đặc biệt, bác sỹ sẽ cẩn thận tạo một lỗ nhỏ để tránh tổn thương xương.
"Răng cấy ghép" sau đó sẽ được đưa vào trong lỗ đã tạo ra.
Sau cùng lợi sẽ được khâu lại.

Vết thương thường đau không đáng kể, và ăn nhai trở lại bình thường sau 1 - 2 ngày. Lợi thường liền sau 4 - 5 ngày và chỉ khâu sẽ tự tiêu sau đó vài ngày.
Sau khi "răng cấy ghép" đã được đặt, xương vùng này cần 3 đến 6 tháng để lành hoàn toàn. Phẫu thuật viên sẽ khám định kỳ khoảng 3 đến 5 lần cho đến khi quá trình lành thương hoàn tất. Sau khi phẫu thuật viên khẳng định "chân răng giả" đã lành hoàn toàn, sẽ bắt đầu giai đoạn phục hình.

<< Top >> 

Bạn cần bao nhiêu "răng cấy ghép" ?
Thông thường, bác sỹ đặt một "răng cấy ghép" thay cho một răng bị mất trừ trường hợp răng hàm lớn. Vì những răng hàm lớn chịu lực nhai rất lớn, chúng thường có nhiều chân. Bởi vì "răng cấy ghép" cơ bản là một chân răng mới, trong khi đó những răng hàm lớn có 2 hoặc 3 chân, bác sỹ có thể thay thế những răng hàm lớn bằng nhiều "chân răng cấy ghép" cho một răng, đặc biệt nếu vùng đó tiêu xương nhiều hoặc có dấu hiệu lực nhai lớn.

<< Top >>

Nếu bạn mất toàn bộ răng của hàm dưới ?
Nếu bạn mất toàn bộ răng của hàm dưới, bạn có thể tính đến một số phương án điều trị. Trong khi nhiều bệnh nhân không có vấn đề gì khi mang hàm giả toàn bộ trên hàm trên, thì một số bệnh nhân lại thấy khó khăn khi mang hàm giả toàn bộ cho hàm dưới.

     

Sự lựa chọn thứ nhất là để phẫu thuật viên đặt hai "răng cấy ghép" trên hàm dưới của bạn và sau đó làm một hàm giả toàn bộ cài vào "răng cấy ghép đó". Phương án này cho phép hàm giả của bạn vững hơn. Tuy nhiên, hàm giả có thể vẫn còn di động, và có thể vẫn còn điểm đau nếu những hạt thức ăn nhỏ chui vào dưới hàm giả. Cũng như những hàm giả tháo lắp khác, bạn có thể vẫn phải đến chỉnh hàm và đệm hàm định kỳ.

Sự lựa chọn thứ hai là để phẫu thuật viên đặt 4 đến 6 "răng cấy ghép" vào xương hàm, tuỳ thuộc kích thước và hình thể ương hàm của bạn. Sau khi quá trình lành thương hoàn tất, nha sỹ sẽ nối các "răng cấy ghép" bằng một thanh nâng đỡ. Hàm giả của bạn sẽ được làm với kẹp giữ bên trong và nó sẽ cài vào thanh nâng đỡ đó. Ưu điểm của phương pháp này là nó vững hơn nhiều so với phương phpá thứ nhất, làm cho hàm giả di động rất ít. Hàm giả vẫn có thể tháo ra lắp vào để làm vệ sinh và bảo dưỡng.

Sự lựa chọn thứ ba là để phẫu thuật viên đặt 5 hoặc nhiều hơn "răng cấy ghép" vào xương hàm và sau đó gắn hàm giả chặt vào. Hàm giả sẽ được giữ vào hàm bởi các ốc vít hoặc tay móc nối với các trụ hoặc thanh nâng đỡ. Hàm giả sẽ không chạm vào lợi, cho phép bạn làm sạch bên dưới hàm giả mà không cần tháo ra. Phương pháp này sẽ thay thế toàn bộ răng của hàm dưới và không tháo ra trừ khi nha sỹ tháo khi cần bảo dưỡng. Mặc dù làm sạch bên dưới hàm giả mà không tháo ra thường mất thời gian, nhưng nhiều bệnh nhân muốn hàm giả cố định thích phương pháp này.

Sự lựa chọn cuối cùng là thay thế từng răng thật bị mất bằng “răng cấy ghép” và sẽ trông giống răng thật nhất. Phương pháp này đòi hỏi đặt 8 “răng cấy ghép” hoặc hơn. Bác sỹ sẽ làm từng trụ riêng biệt cho mỗi “răng cấy ghép” và thân răng để thay thế một răng mất. Chúng thường khít vào nhau để cho vững và khoẻ. Đây là phương pháp đắt tiền nhất, cần nhiều “răng cấy ghép” nhất và có thể còn phụ thuộc vào kích thước và hình thể của xương hàm.

<< Top >>

Nếu bạn mất toàn bộ răng của hàm trên ?
Những kế hoạch điều trị tương tự như của hàm dưới cũng có thể aps dụng cho hàm trên. Tuy nhiên, xương hàm trên không cứng như xương hàm dưới, người ta thường cần nhiều “răng cấy ghép” hơn để nâng đỡ hàm giả. Tuỳ thuộc vào số lượng “răng cấy ghép” được đặt, bác sỹ có thể không cần phủ cả hàm bằng một nền nhựa. Điều này giúp cho bạn cảm nhận mùi vị thức ăn, nhiệt độ thức ăn tốt hơn và làm cho hàm giả cảm giác thật hơn. Bạn vẫn có thể có hàm giả tháo lắp giúp cho việc làm sạch dễ dàng hơn. Nếu bạn muốn có hàm răng giống như thật và cố định, bạn sẽ cần 8 đến 10 “răng cấy ghép”. Sau đó sẽ đặt trụ răng và than răng lên trên.

<< Top >>

Làm gì với chỗ trống mất răng trong khi chờ "răng cấy ghép" lành ?
Có nhiều lựa chọn tuỳ thuộc nhu cầu của bạn. Những răng giả tháo lắp tạm thời hoặc cầu răng tạm thời có thể đeo trong khi chờ “răng cấy ghép” lành. Nếu bạn mất toàn bộ răng, bác sỹ thường có thể sửa lại hàm giả toàn bộ cũ của bạn cho thích hợp hoặc làm một hàm giả tạm thời.

<< Top >>

Những vấn đề gì có thể xảy ra ?
Mặc dù bạn có thể lo lắng sẽ bị đau khi cấy răng, nhưng thực tế phần lớn bệnh nhân không nhận thấy đau nhiều hay đáng kể sau khi cấy răng. Bạn sẽ dùng thuốc giảm đau và kháng sinh để thấy nhẹ nhàng sau cấy răng. Đôi khi có bệnh nhân bị viêm và cần dùng thêm kháng sinh. Ngoài ra có khả năng thần kinh hàm dưới cảm giác cho môi dưới và cằm có thể bị ảnh hưởng. Nếu bạn bị tiêu xương nhiều, có thể khó cấy ghép răng mà không ảnh hưởng dây thần kinh này. Mặc dù phẫu thuật viên rất cẩn thận tránh thần kinh này, đôi khi bị kích thích trong khi làm thủ thuật và dẫn đến tê môi, cằm hoặc lưỡi.

<< Top >>

"Răng cấy ghép" sẽ kéo dài được bao lâu ?
Thông thường “răng cấy ghép” tồn tại được rất lâu. Trong số những bệnh nhân mất toàn bộ răng, những nghiên cứu lâu năm (kéo dài trên 30 năm) cho thấy tỷ lệ 80 – 90% còn tốt. Đối với những bệnh nhân mất một hoặc một vài răng, những nghiên cứu cho thấy trên 90% còn tốt, kết quả này tốt hơn nhiều so với những bộ phận cấy ghép khác trên cơ thể (ví dụ như khớp háng hay khớp gối giả). Nếu như một trong số các “răng cấy ghép” của bạn liền không tốt hoặc lung lay sau một thời gian, bạn có thể cần lấy nó ra. Sau khi vết thương chỗ đó lành, có thể đặt một “răng cấy ghép” mới vào đó.

<< Top >>

Chuyện gì xảy ra sau khi "răng cấy ghép" lành ?
Thông thường, sau 4 đến 6 tháng, “răng cấy ghép” sẽ kết dính chắc vào xương. Lúc này, bác sỹ sẽ bắt đầu giai đoạn phục hình, khi đó răng bị mất sẽ thực sự được thay thế.

Trong một số trường hợp, tuỳ thuộc vào mật độ hay độ cứng của xương, việc tăng dần lực nén hay lực cắn lên “răng cấy ghép” có thể có lợi. Nhiều loại răng giả tạm thời đặc biệt được sử dụng trong giai đoạn này. Phẫu thuật viên sẽ quyết định thời gian thích hợp nhất để hoàn thành điều trị.


Công việc nha khoa cần thiết để hoàn thành quá trình điều trị thường phức tạp. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy thuận tiện hơn và thấy dễ chịu hơn các phương pháp truyền thống khác. Thông thường, phần lớn công việc được làm một cách dễ chịu mà không phải tiêm thuốc mê.
Điều trị phục hình sẽ bắt đầu bằng việc lấy dấu răng, cho phép tạo ra bản sao của răng miệng và “răng cấy ghép”. Bác sỹ cũng lấy dấu khớp cắn để xác định tương quan của hàm trên và hàm dưới. Với những thông tin này, bác sỹ sẽ làm trụ răng để nối răng giả với “chân răng cấy ghép” Những trụ răng này có nhiều loại. Thông thường, có thể dùng trụ răng làm sẵn. Đôi khi, cần phải làm trụ răng đúc riêng, bằng vàng hay bằng sứ. Bạn có thể hình dung những trụ đúc riêng này sẽ tốn tiền hơn, và mất thời gian hơn. Lựa chọn trụ răng không thể quyết định trước khi quá trình liền thương hoàn tất và lấy dấu răng.

Số lần đến khám và thời gian cho mỗi lần thường làm khác nhau đối với từng bệnh nhân. Nếu bạn chỉ có vài răng cần thay, bạn có thể chỉ cần 3 buổi hẹn ngắn. Tuy nhiên, giữa các buổi hẹn, bác sỹ cần thời gian để hoàn thành công việc ở xưởng đúc răng giả. Mặc dù không thể có hai bệnh nhân giống nhau hoàn toàn, không phụ thuộc số răng cần làm, công việc hoàn thành với sự chính xác tuyệt đối và chú ý từng chi tiết.

Nếu như phục hình cuối cùng của bạn là hàm giả tháo lắp, bạn cần phải qua một loạt các lần lấy dấu, lấy khớp cắn, chỉnh hàm, và kiểm tra trong một thời gian khoảng 5 lần hẹn. Những lần hẹn này sẽ cho phép nha sỹ làm các thanh ngang riêng cho bạn, khoá cài, khoá từ, hoặc khoá móc để giữ chắc răng giả vào “răng cấy ghép”. Việc này thường được làm khi làm hàm giả toàn bộ khoá vào thanh nâng đỡ. Nếu bạn muốn làm hàm giả bắt vít cố định, bác sỹ sẽ bắt vít cố định hàm vào và chỉ tháo ra tại phòng khám khi cần bảo trì. Phương pháp này cũng cần khoảng 5 lần hẹn trong thời gian khoảng 2 đến 4 tháng. Trong thời gian này, bác sỹ sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo bạn có hàm giả tạm thời dễ chịu nhất.

Khi “răng cấy ghép” của bạn đã làm xong, bạn có thể vẫn cần 6 đến 12 tháng theo dõi trước khi việc điều trị hoàn tất. Vì lý do này, bác sỹ khó có thể dự định chính xác giá tiền của quá trình điều trị. Ngoài ra, chỉ sau khi “chân răng cấy ghép” đã sẵn sàng cho phục hình, bác sỹ mới có thể đưa ra kế hoạch điều trị tiếp theo.

<< Top >>

Làm sạch "răng cấy ghép" như thế nào ?


Tương tự đối với răng thật, bạn cần làm sạch “răng cấy ghép” thường xuyên tại nhà bằng bàn chải đánh răng, chỉ tơ nha khoa và các dụng cụ đặc biệt khác mà bác sỹ khuyên. Hàng năm, bạn cũng cần đi khám 3 hoặc 4 lần để làm sạch vôi răng, đồng thời để bác sỹ kiểm tra “khoá hoặc vít” có cần xiết chặt hoặc thay thế không. Cũng giống như hàm giả thông thường hoặc cầu răng, “răng cấy ghép” và các chi tiết đi kèm có thể bị mòn và có thể cần thay thế, ví dụ như thay “khoá” đệm hàm, xiết chặt ốc vít, và các chi tiết khác với chi phí tối thiểu. Hàm giả toàn bộ lâu ngày cũng có thể cần thay thế ngay cả khi được nâng đỡ bằng “răng cấy ghép” thật tốt.

<< Top >>

Chi phí cho những dịch vụ này thế nào ?
Chi phí cho “răng cấy ghép” bao gồm: trụ răng (abutment), vít để bắt trụ răng vào chân răng, và phục hình răng chi phí cho nha sỹ; chụp răng (crown), hàm giả, chụp răng hoặc hàm giả tạm thời chi cho xưởng răng giả. Bạn cũng có thể phải trả chi phí cho việc làm sạch răng định kỳ, lấy vôi răng, và chi phí bảo trì. Bạn cũng có thể phải trả chi phí cho Phẫu thuật viên về “chân răng cấy ghép” (implant) và phẫu thuật. Bạn cần biết rằng sẽ có nhiều bác sỹ với các chuyên khoa khác nhau cùng làm việc và chi phí phụ thuộc từng người. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhu cầu của bạn, sự cảm nhận cái gì là tốt nhất, dựa trên các thông tin của bác sỹ. Bạn cũng cần tính đến khả năng tài chính. Bảo hiểm y tế không chi trả cho “cấy ghép răng”.
Không có bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào, nên bác sỹ không thể nào giới thiệu từng trường hợp và kế hoạch điều trị. Tài liệu này giúp bạn hiểu những phương pháp điều trị phục hình răng cơ bản. Nếu những phương pháp điều trị này chưa rõ ràng, bạn có thể viết thư hoặc gọi điện hỏi. Chúng tôi rất vui lòng trả lời mọi câu hỏi liên quan đến việc chăm sóc răng của bạn.

<< Top >>


Copyright 2005 © Nhakhoathanhxuan.com

ÐC : P106 - B5 Trung Tự - Ngõ 46C phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội.
ÐT : 024 3573 5715 - Mobile: 0912343957



Powered by Saolinh.com